ĐÀI LOAN – ĐI ĐÂU, ĂN GÌ? (PHẦN I)

ĐÀI LOAN – ĐI ĐÂU, ĂN GÌ? (PHẦN I)

Xin chào tất cả các bạn, ngày hôm nay Linh sẽ review cho các bạn về những địa điểm tham quan đặc sặc cũng như những món ăn hấp dẫn không thể bỏ lỡ khi tới Đài Loan du lịch. Đài Loan vốn nổi tiếng với ẩm thực phong phú và nhiều địa điểm tham quan thú vị, tuy nhiên do lịch trình có hạn nên Linh không thể review tất cả cho các bạn được. Vì vậy Linh xin phép sẽ chỉ giới thiệu những điểm Linh đã đi và nêu cảm nhận của cá nhân mình thôi. Vì bài viết khá dài nên Linh sẽ chia làm 2 phần cho các bạn tiện theo dõi. Mời các bạn đón xem!

CÁC ĐIỂM ĐẾN TẠI ĐÀI BẮC, TÂN BẮC

Sân bay Đài Bắc – Taoyuan International Airport (sân bay Đào Viên ở Đào Viên, cạnh Đài Bắc)
Sân bay Đài Bắc tên trước đây là Sân bay quốc tế Trung Chính, hay viết tắt C.K.S. Airport hay Taoyuan Airport, là một sân bay quốc tế ở huyện Đào Viên, Đài Loan. Đây là một trong ba sân bay quốc tế ở Đài Loan và là sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất Đài Loan.

Chợ đêm Tây Môn Đinh:

Văn hóa Đài Loan rất đa dạng, từ thói quen ăn uống cho đến cách giao tiếp. Thú vị hơn cả là những hoạt động về đêm tại các khu chợ đêm sầm uất, tiêu biểu có chợ đêm Sỹ Lâm, chợ đêm Phùng Giáp, … Đặc biệt khu chợ sầm uất nhất nổi tiếng của Đài Loan, ngang tầm với phố Shibuya Nhật Bản, chợ đêm Tây Môn Đinh chắc chắn sẽ cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Khu chợ này mang phong cách Nhật Bản vì trước đây, nó là thuộc địa của nước Nhật. Tại đây có nhiều món hàng đa dạng về chủng loại và màu sắc giúp bạn luôn hào hứng khi sà vào bất cứ quán bán đồ nào.

Nhà cổ họ Lâm:


Đài Loan không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, mà còn là một đảo quốc với những nét truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn hiếm thấy. Đến thăm quan biệt thự nhà họ Lâm và phố cổ Thập Phần ở Tân Bắc, bạn sẽ cảm nhận được điều này. Đây là khu di tích lịch sử và cũng là ngôi nhà truyền thống được bảo tồn tốt nhất ở Đài Loan.

Khu biệt thự này được gia đình Lâm Bản Nguyên xây dựng từ năm 1851 trong vòng 40 năm. Ngoài ra, nơi đây còn được chia ra làm 8 khu vực riêng, bao gồm: Cấp Cổ Thư Ốc, Phương Giám Trai, Hương Ngọc Dĩ, Quan Giá Lâu, Định Tĩnh Đường, Nguyệt Ba Thủy Tạ, Dong Ấm  Đại Trì, Kính Tự Đình.  Mỗi một khu vực sẽ đảm nhận nhiệm vụ khác nhau.

Làng cổ Thập Phần:


Ngoài ra, khi đã đến Tân Bắc bạn đừng bỏ qua làng cổ Thập Phần. Đây là ngôi làng của “những lời ước nguyện gửi theo gió”. Mặc cho sự phát triển của du lịch, làng cổ Thập Phần vẫn giữ cho mình những nét riêng khó nhầm lẫn khiến du khách thích thú. Làng cổ nằm ngay sát một đường ray xe lửa có từ thế kỷ trước. Dọc theo đường ray là hàng trăm hàng quán với đủ các mặt hàng, từ quà lưu niệm, hàng ăn và đặc biệt là cửa hàng bán lồng đèn. Hàng quán, đường xá ở đây hoàn toàn không có rác và nếu một du khách nào đó vô ý vứt rác trước cửa tiệm thì chủ tiệm sẽ nhanh chóng nhặt rác bỏ vào thùng.

Hoạt động không thể thiếu khi đến làng cổ Thập Phần là thả đèn thiên đăng. Hoạt động này gắn liền với truyền thuyết kể rằng vào thời xa xưa, ngôi làng cổ này thường bị cướp tấn công, do đó người dân phải mang của cải và di tản lên núi để trốn tránh. Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ được cử xuống làng để thăm dò tình hình, khi không thấy có cướp, họ sẽ thả đèn lên trời làm tín hiệu để báo cho người dân quay về làng. Về sau, việc thả thiên đăng có ý nghĩa cầu nguyện và đèn lồng trở thành biểu tượng của hòa bình, của nền văn hóa truyền thống nơi đây. Đèn lồng được làm bằng giấy gạo dầu trên một khung bằng tre với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu tượng trưng một ý nghĩa.

Thác nước Thập Phần: Một danh thắng nổi tiếng của Thập Phần chính là Thác nước Thập Phần. Đây là thác nước lớn nhất ở Đài Loan, được mệnh danh là Little Niagara của Đài Loan do hình dạng móng ngựa và dòng chảy mạnh mẽ. Thác được bao quanh bởi những khu rừng xanh tươi tốt, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ, mỹ lệ. Tuy nhiên rất đáng tiếc là hôm Linh đi lại gặp trời mưa nên mình không chụp được bức ảnh nào cho các bạn xem cả :((

ảnh minh hoạ

Làng cổ Cửu Phần:

Cái tên Cửu Phần bắt nguồn từ giai đoạn đầu thời nhà Thanh, nơi đây chỉ có 9 hộ dân sinh sống. Sau đó, ngôi làng trở nên đông đúc hơn khi nghề khai thác vàng trở nên phổ biến. Cửu Phần là ngôi làng miền núi thuộc khu Thụy Phương, cách thành phố Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) khoảng 50 phút đi xe. Làng trải dài theo triền núi và hướng mặt ra biển. Trước kia, nơi đây từng là điểm khai thác vàng. Ngày nay, Cửu Phần là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhất xứ Đài.

Con đường chính ở Cửu Phần mang tên Thụ Kỳ Lộ. Đường rất hẹp, bề ngang chỉ khoảng 2 m, gồm các bậc thang toàn bằng đá granit. Thụ Kỳ Lộ chạy xuyên suốt thị trấn, từ dưới lên trên, men theo sườn núi. Hai bên đường, hàng quán nhà cửa san sát nhau. Đường hẹp nên không có vỉa hè, các ngôi nhà nhỏ hẹp đều không có sân. Để chống chọi với gió biển và mưa bão, nhà nào cũng xây bằng đá và gạch rất vững chắc, mái lợp hai tầng, bên trên sơn một loại dầu thảo mộc có màu đen, cốt để chống thấm.


Ngày nay, kiến trúc Cửu Phần vẫn còn mang nhiều đặc điểm của thời kỳ thuộc địa. Ngoài con đường thẳng đứng, Cửu Phần còn có hai con đường song song và cắt ngang Thụ Kỳ Lộ là Khinh Tiên Lộ và Cổ Sơn Nhai. Hai con đường này có nhiều trà quán, hiệu bánh, tiệm ăn, rạp hát, nhà bảo tàng về khai thác vàng, phòng triển lãm nghệ thuật dân gian Cửu Phần, vài ngôi chùa và miếu thờ thành hoàng.

Công viên địa chất Dã Liễu (Yehliu Geopark):

Được bình chọn là “điểm tới tự nhiên đẹp nhất Đài Loan 2013”, với tổng chiều dài 1,7 km và khu đất liền rộng nhất lên tới hơn 300m, thu hút du khách tới tham quan và giải trí bởi những phiến đá có hình thù độc đáo, kỳ lạ tạo nên bởi sự xâm thực của biển vào đất liền và được đặt tên bởi khách du lịch tới đây.

Nằm gọn trong thị trấn WanLi(VạnThạch), tọa lạc ở điểm của Bắc đảo ngọc Đài Loan, bạn sẽ dễ dàng tới đây với Taxi hoặc sử dụng xe Bus với 96 TWD (~ 67.000 VNĐ) từ trạm trung chuyển phía tây Đài Bắc. Vé vào cửa là 80 TWD (~56.000 VNĐ). Công viên được chia làm 3 khu vực chính mỗi khu vực lại mang những hình thù dáng vẻ độc đáo khác lạ.

Đài tưởng niệm Trung Chính:

Đây là nơi tưởng nhớ tổng thốngTưởng Giới Thạch – nhà lãnh đạo quân sự và chính trị đã từng giữ vai trò chủ tịch chính phủ Trung Hoa Dân quốc từ năm 1950 đến 1975. Các bạn có thể khám phá lịch sử về Tưởng Giới Thạch và Trung Quốc ở thế kỷ 20 thông qua các bức ảnh, tranh vẽ và thiết kế kiến trúc tuyệt vời.

Đài tưởng niệm mở cửa hàng ngày và bạn có thể dễ dàng đến đây bằng xe buýt nội đô hoặc đi tàu điện MRT đến Nhà ga của Nhà Tưởng niệm. Trong khuôn viên của đài tưởng niệm có hai kiến trúc quan trọng khác là Nhà Hát quốc gia (National Theater) và Trung Tâm Hòa Nhạc quốc gia (National Concert Hall).


CÁC ĐIỂM ĐẾN TẠI ĐÀI TRUNG

Đài Trung là một thành phố ở phía Tây miền trung Đài Loan, đây là trung tâm văn hóa giáo dục của Đài Loan với nhiều trường học, đền đài và khu di tích. Đài Trung được biết đến là thành phố có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, nền ẩm thực phong phú, nhiều địa điểm mua sắm nổi tiếng.

Chợ đêm Phùng Giáp:  


Chợ Phùng Giáp mở vào ban đêm, khu chợ đêm sôi động và nhộn nhịp hẳn lên. Tiết trời mát mẻ, dạo phố đêm, ngắm nhìn hàng hóa, rinh một ít về làm quà cho người thân và bạn bè đồng thời đừng quên việc thưởng thức những món ngon được bày bán ở khu chợ này. Chợ đêm Phùng Giáp nằm bên cạnh một trường đại học (Linh không nhớ tên) nên là rất đông sinh viên.

Hồ Nhật Nguyệt:

Nhật Nguyệt – cái tên đầy lãng mạn của hồ đã khiến người nghe nảy sinh biết bao liên tưởng. Theo tư liệu được ghi chép và truyền miệng, tên của hồ xuất phát từ hình dáng của nó. Nếu đứng ở giữa hồ, nhìn về phía tây của Nhật Nguyệt, bạn sẽ thấy hồ có hình dáng như một vầng trăng khuyết, còn nhìn về phía đông, hồ lại có hình dạng tròn tựa như mặt trời. 

Thuộc địa phận xã Yuchi huyện Nantou của miền Trung Đài Loan, nơi đây cảnh sông nước hữu tình, thấp thoáng không gian kiến trúc cổ của Trung Hoa tạo nên vẻ yên bình cho Nhật Nguyệt và khiến lòng người thanh thản lạ lùng.

Văn Võ Miếu:

Tọa lạc tại phía Bắc của hồ Nhật Nguyệt thuộc huyện Nam Đầu, thành phố Đài Trung, nơi đây đã đem đến cho Văn Võ miếu những nét đẹp rất riêng. Văn Võ miếu được chia thành hai khu vực chính đó là Văn Miếu và Võ Miếu. Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử và hai vị học trò của ông là Mạnh Tử và Zihsih.

Bạn nên đến thăm nơi đây vào thời điểm mùa xuân từ tháng 3 và tháng 4 lúc này tiết trời se lạnh, bạn sẽ được ngắm nhìn một Văn Võ miếu tràn đầy sức sống với muôn hoa khoe sắc. Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 cũng là thời điểm thích hợp để đi tour Đài Loan giá rẻ ngắm nhìn cảnh sắc Văn Võ miếu, tiết trời mùa thu mát mẻ, bầu trời trong xanh cao rộng hòa cùng với khung cảnh của chốn linh thiêng khiến Văn Võ miếu trở nên tôn nghiêm hơn bao giờ hết.

📸 Dưới đây là một vài khung cảnh đường phố tại Đài Trung mà Linh đã có dịp ghi lại, các bạn cùng đón xem nhé

Vậy là nhật ký tham quan “ĐÀI LOAN – ĐI ĐÂU, ĂN GÌ? (PHẦN I)” của Linh đến đây là kết thúc rồi. Hi vọng rằng những chia sẻ của mình có thể góp thêm một điểm đến  mới mẻ và hấp dẫn vào lịch trình du lịch Đài Loan của các bạn. Nếu có câu hỏi gì thêm hoặc muốn tìm hiểu kỹ hơn về tour du lịch khám phá Đài Loan này thì đừng ngần ngại để lại những bình luận ngay bên dưới, Linh sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *